Năm 2016 đi qua để lại cho nền khởi nghiệp Việt Nam tin vui như nhiều startup Việt được đầu tư và được nhận giải thưởng quốc tế. Tuy nhiên, khi "startup" đã dần trở thành một từ phổ biến thì năm nay cộng đồng này cũng đã phơi ra nhiều câu chuyện chẳng mấy vui như Lingo đóng cửa; The Kafe bị tố chiếm dụng vốn, CEO rời đi; hay Vntrip kiện Agoda
Sau đây là những sự kiện nổi bật nhất của làng khởi nghiệp Việt Nam năm 2016 vừa qua.
1. Chính phủ chọn năm 2016 là năm “quốc gia khởi nghiệp”
“Khởi nghiệp” là một từ khóa hot của năm 2016. Ngay ở những phiên họp đầu tiên kể từ khi Chính phủ mới được thành lập hồi tháng 5 năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh thông điệp và mục tiêu về một quốc gia khởi nghiệp
Cụ thể, theo Thủ tướng: “Chính phủ tôn vinh doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp phát triển; đưa năm 2016 là năm khởi nghiệp của mọi thành phần, tầng lớp nhân dân; bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh của nhân dân; tạo niềm tin thị trường mạnh mẽ hơn. Mọi ngành, mọi cấp phải xem lại xem có gây khó cho doanh nghiệp không”.
Trong năm 2016 này, Chính phủ cũng đã và đang đưa ra nhiều nhóm giải pháp cụ thể để tạo dựng môi trường thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo và thành công. Các chính sách, thể chế đang được hoàn thiện dần để startup có thể tiếp cận nguồn tín dụng và có môi trường kinh doanh thuận lợi nhất
Đồng thời, Chính phủ cũng đã có một loạt chính sách nhằm mục tiêu thu hút các nhà đầu tư, xây dựng các trung tâm hỗ trợ thông tin khởi nghiệp.
2. Cộng đồng startup "dậy sóng" vì Điều 292
Một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất trong cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam năm qua, đặc biệt với các startup công nghệ, chính là Điều 292, Bộ Luật Hình sự năm 2015 về việc
cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông.
Theo điều luật này, nếu cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ mà không có giấy phép hoặc không đúng nội dung được cấp phép, thu lợi từ 50-200 triệu đồng hoặc có doanh thu từ 500 triệu - 2 tỷ đồng sẽ bị phạt tiền từ 200-500 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm.
Cộng đồng startup công nghệ đã ngay lập túc “dậy sóng” về điều luật này vì cho rằng nó chẳng khác nào “triệt đường sống” của họ. Đa phần các startup công nghệ đều triển khai mô hình kinh doanh, cung cấp dịch vụ và thu tiền đều qua hệ thống mạng máy tính, viễn thông.
Sau đó, đại diện cộng đồng khởi nghiệp, Chủ tịch VINASA Trương Gia Bình và Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã có văn bản kiến nghị hủy bỏ Điều 292. Tại phiên họp thường kỳ tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cuối cùng đã yêu cầu bỏ điều 292 quy định tội danh "cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông".
Tại phiên họp thường kỳ tháng 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015, theo tờ trình được Bộ trưởng Tư pháp - Lê Thành Long thay mặt Chính phủ trình bày, dự thảo luật lần này bỏ Điều 292 (tội danh cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính, mạng viễn thông).
3. Nhiều startup được rót vốn khủng từ nước ngoài
Năm 2016 chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của các công ty khởi nghiệp tại Việt Nam. Nhiều startup đã huy động được số tiền lên đến hàng triệu USD.
Điển hình như thương vụ quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity (SCPE) và Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs rót 28 triệu USD vào ví điện tử MoMo. Đây có thể coi là một trong những thương vụ gọi vốn thành công nhất của start-up Việt tính đến hiện tại.
Ngoài ra, một số start-up khác cũng huy động được số vốn lớn trong năm qua như GotIt! (9 triệu USD); Vntrip.vn (3 triệu USD) hay như Toong (hơn 1 triệu USD)...
4. Quỹ đầu tư nổi tiếng của thung lũng Silicon (500 startups) đến Việt Nam
Với tiềm năng và sự lớn mạnh trong thời gian qua, môi trường khởi nghiệp Việt Nam đã ngày càng được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao.
Một ví dụ điển hình là vào đầu năm 2016 nay, 500 Startups - một quỹ đầu tư mạo hiểm lớn của Mỹ đã công bố sẽ lập riêng một quỹ nhỏ trị giá 10 triệu USD để rót vốn vào khoảng 100 - 150 dự án khởi nghiệp Việt Nam. Giá trị mỗi lần rót vốn sẽ vào khoảng 100.000-250.000 USD.
Quỹ ở Việt Nam sẽ được điều hành bởi Binh Tran - đồng sáng lập hãng phân tích công cụ truyền thông xã hội Klout và Eddie Thai. Cả hai đều là người gốc Việt, nhưng đã có một thời gian dài sống tại Mỹ.
5. Một loạt các startup Việt đạt giải thưởng quốc tế
Trong năm 2016, việc một số startup Việt gặt hái được những thành tích cao trong các cuộc thi quốc tế là minh chứng cho một nền khởi nghiệp đang ngày càng được thế giới công nhận của Việt Nam.
Tiêu biểu trong số đó là phần mềm luyện nói tiếng Anh Elsa của 2 cô gái Việt Nam là Văn Đinh Hồng Vũ (33 tuổi) và Ngô Thùy Ngọc Tú (29 tuổi) cùng tiến sĩ Xavier Anguera (Tây Ban Nha). Vượt qua 1.200 đối thủ, startup giáo dục này đã giành giải nhất tại cuộc thi SXSWedu - một cuộc thi khởi nghiệp về công nghệ giáo dục được tổ chức tại thành phố Austin (bang Texas), Mỹ.
Cũng trong năm qua, ứng dụng dạy học ngôn ngữ cho trẻ em mang tên Monkey Junior đã giành giải Nhất tại cuộc thi Sáng kiến toàn cầu GIST Tech-I 2016 diễn ra tại Mỹ. Cuối tháng 11, Monkey Junior tiếp tục đạt giải vàng giải thưởng ASEAN ICT Awards, hạng mục "Start-up xuất sắc nhất".
6. Quỹ 100 tỷ đồng đầu tư cho startup nông nghiệp của ông Nguyễn Duy Hưng (chủ tịch SSI) ra đời – Startup nông nghiệp đã đến lúc phất lên ?
Trong khi nhiều quỹ đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam chủ yếu rót vốn vào các lĩnh vực công nghệ hay kinh doanh chuỗi cafe, nhà hàng... thì công ty quản lý quỹ SSI (SSIAM) và ông Nguyễn Duy Hưng lại có bước đi táo báo khi lập quỹ 100 tỷ đồng cho các startup nông nghiệp.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch công ty chứng khoán lớn nhất Việt Nam là SSI, cho biết quỹ SSIAM sẵn sàng rót vốn và đồng hành cùng các startup nông nghiệp. Thậm chí, quỹ có thể bao tiêu sản phẩm hoặc hợp nhất nếu đối tác muốn bàn giao.
Không lâu sau khi SSIAM thành lập, đã có startup nông nghiệp đầu tiên được đầu tư là Hellomum- startup chuyên về phân phối thực phẩm sạch.
7. Nhiều vụ lùm xùm tại các công ty khởi nghiệp
Bên cạnh những điểm sáng, startup Việt trong năm qua cũng chứng kiến nhiều vụ bê bối gây tranh cãi trong dư luận.
Trước hết, phải kể tới việc The KAfe, startup do Đào Chi Anh sáng lập đã bị tố chây ì trả nợ và chiếm dụng vốn kinh doanh đến hàng tỷ đồng. Cuối tháng 10, Đào Chi Anh lại làm giới startup sốc một lần nữa khi tuyên bố không còn đảm nhiệm chức vụ CEO của công ty này nữa.
Một sự việc khác ồn ào không kém là vụ việc giải thể của startup thương mại điện tử Lingo.vn. Sau một tháng dừng hoạt động, trên fanpage chính thức của Lingo.vn xuất hiện một bức tâm thư tố cáo nhà đầu tư "tệ bạc".
Theo bức tâm thư này, gần 300 nhân viên của Lingo chỉ biết quyết định giải thể công ty trong vòng 2 giờ đồng hồ và được yêu cầu nghỉ việc ngay lập tức. Mọi người cũng không nhận được bất kỳ chế độ trợ cấp nào. Cũng theo bài viết, chỉ một tiếng sau khi nhà đầu tư tuyên bố giải thể, toàn bộ các chủ nợ đã gọi đến đòi nợ các nhân viên. Họ mắng xối xả, thậm chí đe dọa gọi giang hồ đối với nhân viên Lingo nhưng nhà đầu tư vẫn "ngoảnh mặt làm ngơ".
Gần đây nhất, cộng đồng startup lại được dịp xôn xao trước việc startup đặt phòng khách sạn trực tuyến Vntrip mới được đầu tư 3 triệu USD đã tố đối thủ cạnh tranh trực tiếp là Agoda trốn thuế.
Theo Chến Thắng
Trí thức trẻ